image banner
Di tích cấp tỉnh Nhà Thánh Hoành Sơn xã Khánh Sơn, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An
Lượt xem: 1615

    Nhà thánh Hoành Sơn thuộc xóm 7 xã Khánh Sơn, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Từ khi xây dựng đến nay, vị trí xây dựng di tích vẫn giữ nguyên, nhưng địa danh hành chính gắn với di tích có sự thay đổi.

Anh-tin-bai

    1.Về vị trí địa lý cảnh quan

    Nhà Thánh Hoành Sơn được xây dựng trên một vùng đất văn vật ngoảnh mặt theo hướng Đông Nam, quần tụ giữa khu dân cư trù mật thuộc xóm 7 xã Khánh Sơn, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An nơi có nhiều di tích tọa lạc như đình Trung Cần, đình Hoành Sơn, nhà thờ Nguyễn Thiện và mộ tiến sỹ Nguyễn Thiện Chương, mộ và nhà thờ thám hoa Nguyễn Đức Đạt...

    Xét về phong thủy, nhà thánh Hoành Sơn có một vị thế đắc địa, phía sau có dãy núi Thiên Nhẫn điệp trùng - nơi đây đã từng ghi bao dấu vết của những bậc anh hung như Mai Thúc Loan, Tống Tất Thắng, La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp, Lê Lợi, Nguyễn Trãi…, phía trước có sông Lam chảy từ tây sang đông làm minh đường. Về phong thủy, đây là vùng đất địa linh, sông núi ôm ấp, trước sau hậu thuẫn, trái phải chầu về.

    Nhà Thánh Hoành Sơn được xây dựng khoảng giai đoạn cuối thời Lê trùng tu vào thời Nguyễn, các công trình kiến trúc gốc còn khá nguyên vẹn. Hiện nay khuôn viên Nhà Thánh có tổng diện tích xây dựng 673,3 m2, kết cấu kiểu chữ “ Khẩu” bao gồm các công trình: Bái Đường , Tả vu, Hữu vu, Sân lộ thiên, Hậu cung

Anh-tin-bai

    2.Về giá trị lịch sử

    Nhà Thánh Hoành Sơn là công trình kiến trúc tín ngưỡng được xây dựng để thờ Khổng Tử và các bậc tiên hiền, khoa bảng đồng thời thể hiện truyền thống hiếu học, tấm lòng tri ân của hậu thế đối với tiền nhân, nêu cao đạo lý “ Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam.

    Các vị khoa bảng tiêu biểu của Làng Hoàng Sơn: Bia đá tại Nhà Thánh Hoành Sơn ghi danh rất nhiều người đậu đạt từ Thám Hoa, Tiến sỹ, Hoàng giáp, phó bảng, hương cống, cử nhân, tú tài… của làng Hoành Sơn trong số đó tiêu biểu như: Tiến sỹ Nguyễn Thiện Chương, Thám hoa Nguyễn Đức Đạt, Hoàng giáp Nguyễn Đức Quý, phó bảng Nguyễn Đức Vận.

    Cùng với việc xây dựng văn miếu ở kinh đô và các tỉnh thành, hệ thống văn từ, văn chỉ lan xuống tận thôn xóm. Điều đó thể hiện sự ảnh hưởng sâu sắc của Nho giáo đối với đời sống nhân dân. Phản ánh một nền giáo dục có hệ thống, có quy chuẩn từ thấp đến cao. Nho giáo có giá trị to lớn trong việc giáo dục giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp, đề cao tinh thần yêu nước yêu thiên nhiên và qua đó góp phần hình thành nhân cách con người, xây dựng môi trường xã hội lành mạnh, văn minh.

    Tìm hiểu về Khổng tử và Nho giáo là tìm hiểu về một học thuyết trị nước yên dân. Chính Nho giáo đã giúp các triều đại phong Kiến củng cố quyền lực, xây dựng một nhà nước dân chủ trung ương tập quyền thống nhất.

    Ở nước ta, học thuyết Nho giáo trở thành chỗ dựa vững chắc về tinh thần, trong đời sống xã hội. Nho sỹ được coi là rường cột của nhà nước nhà. Vì vậy, các triều đại phong kiến Việt Nam đều coi trọng giáo dục Nho học, dựa vào nó để đào tạo,tuyển chọn hiền tài để xây dựng quê hương, đất nước.

    Các bia đá tại di tích là minh chứng cho sự học của làng Hoành Sơn từ xưa rất được chú trọng, quan tâm. Điều đó chứng tỏ nơi đây xưa là một vùng đất học, các gia đình, dòng họ rất quan tâm đến việc học của con cái. Nổi tiếng trong số đó là dòng họ Nguyễn Thiện, dòng họ Nguyễn Đức là những dòng họ có truyền thống khoa bảng gắn với những tên tuổi như tiến sỹ Nguyễn Thiện Chương, Thám Hoa Nguyễn Đức Đạt, Song nguyên Hoàng giáp Nguyễn Đức Quý, phó bảng Nguyễn Đức Vận và hang chục Hương cống, cử nhân, tú tài khác… họ là những người con của quê hương Hoành Sơn,đã làm rạng danh quê hương, xứ sở. Chính sự đậu đạt của họ đã biến nơi đây thành vùng đất học, cái nôi khoa bảng được người đời ca tụng, vinh danh.

    Những hiện vật đang lưu giữ tại di tích và bản thân di tích mang trong mình những dữ liệu thông tin cho thấy tiến trình phát triển của Nho học có giá trị lớn về mặt nghiên cứu truyền thống địa phương. Đây là tài sản vô cùng quý giá của địa phương cũng như của dân tộc.

    Việc khắc tên trên bia đá tại Nhà Thánh chính là cách bảo lưu tên tuổi, công danh hành trạng của các vị khoa cử, góp phần vào việc nghiên cứu tên tuổi, hành trạng của họ đầy đủ, chính xác nhất.

    Cùng với hệ thống các nhà thánh trên đất Nghệ An thì nhà thánh Hoành Sơn được đánh giá là di tích có niên đại khá sớm, trải qua hang trăm năm vẫn giữ được cơ bản các yếu tố gốc. Điều đó chứng tỏ ý thức gìn giữ di sản văn hóa của cha ông trên mảnh đất này luôn được chú trọng, quan tâm từ đời này sang đời khác.

    3.Giá trị văn hóa

    Trải Qua hang trăm năm tồn tại, nhà thành Hoành Sơn luôn là địa chỉ sinh hoạt văn hóa của nhân dân trong vùng.

    Nhà thánh là biểu tượng, là hồn cốt của làng khoa bảng, là nơi tụ linh khí, phúc lớn của làng. Nhà Thánh là biểu tượng của sự học và nơi gửi gắm những ước mơ và khát vọng bao đời nay của người dân nơi đây về việc đổi đời bằng học vấn “ Không học không thành người”, “ Nhất tự vi sư bán tự vi sư”. Đây là một sự cổ vũ tinh thần to lớn cho con em trong làng phấn đấu vươn lên bằng con đường học hành. Hoành Sơn từ xưa đến nay nổi tiếng văn vật, được coi là khoa bảng, cái nôi của những ông Nghè, ông Cống, như vậy, Nhà Thánh là biểu tượng văn hóa cao đẹp của truyền thống hiếu học, thành đạt của cả làng.

    Việc thờ Khổng tử tại Nhà Thánh chính là biểu tượng của đạo học. Khổng tử là ông tổ của nền giáo dục cổ đại phương Đông, được người đời tôn vinh là “ vạn thế sư biểu” ( Bậc thầy của muôn đời). Có thể coi Khổng Tử là đại diện cho tất cả những người thầy. Tôn vinh Khổng tử là tôn vinh những người thầy, tôn vinh những người “ đưa đò thầm lặng” chắp cánh ước mơ cho biết bao thế hệ học trò. Truyền thông “ Tôn sư trọng đạo” tốt đẹp ấy được duy trì từ thế hệ này sang thế hệ khác trở thành biểu tượng sáng ngời, nhân văn của dân tộc Việt Nam.

    Việc phối thờ những người đậu đạt ở nhà Thánh trong đó có những người đỗ đầu được liệt vào hàng “ đại khoa” như Tiến sỹ Nguyễn Thiện Chương, Thám hoa Nguyễn Đức Đạt, Song nguyên Hoàng giáp Nguyễn Đức Quý, Phó bảng Nguyễn Đức Vận và hang chục vị Hương cống, Cử nhân, Tú tài được khắc tên trên bia đá…là sự tôn vinh hiền tài vì “ hiền tài là nguyên khí của quốc gia”. Vì vậy họ xứng đáng được xã hội tôn vinh, ngưỡng vọng, đồng thời nhờ những tấm gương ấy khuyến khích tinh thần hiếu học, vươn lên của các thế hệ con em trong vùng.

    Việc tế lễ ở nhà Thánh không mang tính phù phép, hướng người ta đến thế giới tâm linh, phụ thuộc vào thần quyền như ở đền, miếu mà nó mang tính chất tưởng niệm, giáo dục nhiều hơn.Vì vậy tại nhà Thánh không có việc cầu tài, cầu lộc mà chỉ có cầu học. Với ý nghĩa “ Tiên học lễ, hậu học văn” người ta cầu đạo của thánh hiền trước hết để làm cho con người có đạo đức, nhân cách sau đó đem cái kiến thức của mình có được để phục vụ mọi người.

    Truyền thống hiếu học của nhân dân làng Hoành Sơn luôn được duy trì liên tục từ xưa đến nay. Không chỉ có các ông Cử, ông Tú dưới thời phong kiến mà hiện nay nhân dân nơi nơi đây luôn coi sự học làm đầu, đầu tư cho con em học hành đến nơi đến chốn để kế thừa truyền thống làng khoa bảng từ xưa.

    4. Giá trị khoa học, thẩm mỹ

    Di tích Nhà Thánh Hoành Sơn là công trình kiến trúc tâm linh, nơi tưởng niệm Khổng tử, các vị tiên nho của xã Khánh Sơn xưa.Đây là công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo chứa đựng các giá trị khoa học về phong thủy, giá trị kiến trúc nghệ thuật thể hiện ở các mặt:

    Về vị trí địa lý: Làng Hoành Sơn nằm ven song Lam, chịu ảnh hưởng rất lớn vào mùa mưa lũ nên chắc chắn rằng, những người chủ trương xây dựng Nhà Thánh phải tìm hiểu ký vị trí xây dựng Nhà Thánh cũng như các công trình tâm linh khác, để ngôi nhà chung của làng không chỉ tránh được những rủi ro mà còn góp phần vào sự phát triển của làng. Vị trí của nhà Thánh phải cao ráo, thuận tiện cho việc đi lại và hợp phong thủy. Thực tế cho thấy, vị trí của nhà thánh ở thế “ Tọa sơn, vọng thủy”, thế được xem là tụ linh, tụ phúc và dù nằm gần song Lam nhưng di tích vẫn tồn tại tương đối nguyên vẹn. Rõ rang, người xưa đã có sự tính toán rất kỹ lưỡng và khoa học để giữ cho hậu thế một di sản quý giá.

    Hơn nữa, di tích được khởi dựng tại làng Hoành Sơn được coi là vùng đất địa linh với “ đậm đặc” quần thể di tích tiêu biểu như đình Trung Cần, đình Hoành Sơn, nhà thờ họ Nguyễn Thiện và mộ Nguyễn Thiện Chương, nhà thờ và mộ Thám hoa Nguyễn Đức Đạt… đã tạo nên khung cảnh thôn quê vừa dân dã, thanh bình lại mang màu sắc tâm linh, tín ngưỡng.

    Về kết cấu kiến trúc: Nhà Thánh có kết cấu kiến trúc độc đáo  kiểu chữ: “ Khẩu”. Hệ thống mái và khung nhà nối liền nhau, nhà này nối với nhà kia mà không có sự cách biệt. Nhà Thánh có lối kết cấu vì kèo theo kiểu giá chiêng, chồng rường, thượng giao nguyên hạ kẻ, một lối kết cấu khá phổ biến ở Việt Nam trong thời nhà Nguyễn. Kết cấu này kế thừa và phát triển kết cấu ở các thế kỷ trước, vừa đảm bảo sự chắc chắn, vừa đem lại sự thoáng đáng và có lợi thế về mặt trang trí.

    Kết cấu kiến trúc độc đáo của Nhà Thánh Hoành Sơn là một di sản quý, hiếm cùng với đình Hoành Sơn góp phần không nhỏ vào hệ thống di tích đặc sắc của vùng Nam Đàn. Vì vậy, khi nhắc tới làng Hoành Sơn, du khách sẽ nhớ tới những di tích tiêu biểu là đình Trung Cần, đình Hoành Sơn, nhà thánh Hoành Sơn, nhà thờ họ Nguyễn Thiện Chương, nhà thờ và mộ Thám hoa Nguyễn Đức Đạt và ngược lại. Đây cũng là dịp để du khách tìm hiểu thêm về lịch sử vùng đất có bề dày truyền thống khoa cử, văn vật tạo điểm nhấn du lịch hấp dẫn đậm đà bản sắc văn hóa Việt trong tương lai gần.

 

 

 

Bùi Thị Nhung- CCVH xã Khánh Sơn
BẢN ĐỒ XÃ NGHĨA PHÚC - HUYỆN TÂN KỲ
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập

 

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ XÃ KHÁNH SƠN
Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Tô Bá Thắng - Chủ tịch UBND xã

Trụ sở: Xã Khánh Sơn - Huyện Nam Đàn - Tỉnh Nghệ An
Điện thoại: 0985 941 827 - Email: khanhson@namdan.nghean.gov.vn