image banner
Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia đặc biệt Đình Hoành Sơn, xã Khánh Sơn, huyện Nam Đàn, Tỉnh Nghệ An
Lượt xem: 2705

Di tích kiến trúc nghệ thuật Đình Hoành Sơn, xưa thuộc xã Nam Kim Thượng, tổng Nam Kim, nay là xã Khánh Sơn, huyện Nam Đàn. Mảnh đất này từ xưa đến nay được mệnh danh là “rốn lũ” của xứ Nghệ. Vậy mà ở ngay trung tâm “rốn lũ” này, sát bên bờ sông Lam lại có một công trình to lớn, đẹp bậc nhất miền Trung, tồn tại đã ngót nghét gần 3 thế kỷ. Chính là ngôi đình Hoành Sơn này.

 Đình ngoảnh hướng Đông Bắc. Nếu xét về phong thủy, phía sau đình có dãy núi Thiên Nhẫn điệp trùng làm hậu chẩm, phía trước có sông Lam chảy từ tây sang đông làm minh đường, xa xa phía trước có dãy núi Đại Huệ làm tiền án. Như vậy, về phong thủy, đây là nơi địa linh, sông núi ôm ấp, trước sau hậu thuẫn, trái phải chầu về. Có thể nói rằng, nếu theo thuyết phong thủy thì đình Hoành Sơn đã đạt được một vị trí địa lý lý tưởng

Anh-tin-bai

 

Đình được khởi công xây dựng vào một ngày lành tháng 12 năm Nhâm Ngọ, năm thứ 23, niên hiệu Cảnh Hưng, tức là tháng 2 năm 1763.

Người khởi xướng và chủ sự xây dựng công trình này là ông Đặng Thạc, một vị Hương cống, làm quan dưới triều vua Lê Hiển Tông. Gặp năm được mùa, đời sống nhân dân sung túc, ông bèn chọn đất tốt và huy động tiền của trong nhân dân để mua gỗ quý, đồng thời chiêu vời các toán thợ giỏi trong vùng về xây dựng đình. Đình do hai tốp thợ cùng làm. Một tốp người làng Hoành Sơn, tốp còn lại do ông Chuẩn, một người thợ mộc tài hoa ở xã Nam Hoa Thượng phụ trách. Chuyện về hai tốp thợ này cũng rất ly kì: lúc bấy giờ, ông Đặng Thạc đã chọn tốp thợ của làng Hoành Sơn phụ trách làm đình. Tuy nhiên, có một tốp thợ ở Nam Hoa Thượng không được mời đến, họ bày mưu cử một người thợ giỏi tên là Chuẩn giả dạng ăn mày đến xin ăn và ngủ lại ở chỗ làm đình rồi đốt đi một nửa thiết kế của đình (cũng có tài liệu nói ông dùng vụn bào đốt một bức chạm của vì phía Nam do thợ của làng Hoành Sơn làm gần xong). Đặng Thạc vô cùng tức giận nhưng người ăn mày đã nhận tội và xin được làm phần thiết kế đã bị cháy. Không còn cách nào khác, Đặng Thạc đành nhận lời và hẹn ngày cùng dựng, tốp thợ nào làm đẹp hơn sẽ được thưởng. Ngay sau đó, ông Chuẩn đem thợ đến và chỉ một thời gian ngắn đã làm xong. Ngày dựng đình, tuy do hai tốp thợ làm nhưng lúc dựng lại rất ăn khớp, rất hài hòa. Điều đặc biệt là những bộ vì do tốp thợ ông Chuẩn làm được chạm trổ rất tinh xảo và trội hơn so với tốp còn lại. Vì vậy, phần thắng thuộc về tốp thợ ông Chuẩn.

Đình Hoành Sơn có tổng diện tích 1663,3m2, gồm 2 tòa, tiêu biểu là Đại đình – nơi chúng ta đang đứng đây, được giới nghiên cứu, các chuyên gia về lĩnh vực kiến trúc nghệ thuật đánh giá là ngôi đình tiêu biểu nhất của miền Trung và là một trong những ngôi đình có quy mô lớn và nghệ thuật chạm khắc đẹp nhất cả nước.

          Đại đình có diện tích 330,4m2, gồm 7 gian, 2 chái. Nhìn từ ngoài vào, đình được bao trùm bởi hai mái rất to lớn, người xưa thường cho rằng, đình có mái lớn như vậy để tránh nắng mùa hè mưa bão... Tuy nhiên, dưới góc độ tâm linh, nó còn có ý nghĩa tam thông của vũ trụ, trong đó bộ mái tượng trưng cho bầu trời.

Hệ khung nhà Đại đình được tạo bởi 6 bộ vì, với 12 cột cái, 20 cột quân. Cột cái: cao 5,66m, đường kính 0,5m, cột quân: cao 3,9m, đường kính 0,45m. Các bộ vì được trang trí dày đặc, đề tài phong phú và hết sức tinh xảo

          Bộ vì thứ nhất[1]:

Anh-tin-bai

 

Hầu như trên các cấu kiện gỗ đều có chạm khắc, đề tài phong phú, đa dạng, tôi chỉ xin giới thiệu một số mảng chạm khắc tiêu biểu:

Trên cùng của đấu thứ nhất là hình ảnh “phượng hàm thư”. Phượng là một trong 4 tứ linh (long, ly, quy, phượng), với đặc điểm mỏ diều hâu, mắt giọt lệ, tóc trĩ, cổ rắn, vẩy cá chép, mình chim, đuôi công, chân hạc, móng chim ưng… phượng được coi là loài chim tiên, là biểu tượng cho vũ trụ. Về mặt nhận thức dân gian thì phượng là tượng trưng cho cõi tiên, cho thánh nhân, cho trí tuệ, cho sự khoan dung. Hình ảnh “phượng hàm thư” muốn nói lên khát vọng chinh phục tri thức, học hành, khoa cử, với hàm ý “phi trí bất hưng”. Hình ảnh này được lặp lại khá nhiều lần ở trên các cấu kiện gỗ

Tiếp theo là hình ảnh hổ phù tại con rường. Hổ phù được tạo với mũi hếch, mắt lồi, đao mác tua tủa, hai chân khuỳnh ra hai bên. Miệng “ọe” mặt trăng. Đây là một biểu tượng cầu mùa, cầu no đủ, ấm no. Bởi vì, theo điển tích về Hổ phù, nếu con Hổ Phù nuốt hết mặt trăng thì năm đó sẽ mất mùa to hoặc có chiến tranh nhưng nếu Hổ phù không nuốt nổi mặt trăng mà phải “ọe ra” thì năm đó dân được mùa lớn, cuộc sống sung túc, ấm no.

Ở tấm ván bưng khắc họa đề tài “tiên đánh cờ”. Giữa quá giang và cột cái được tô điểm bởi hai đầu dư vươn ra khá dài.

Đặc biệt, tại các ván dong đã khắc họa một số đề tài, điển tích khá đặc sắc như “chèo thuyền”, hay điển tích “Bốn vị ẩn cư ở núi Thường Sơn” kể về việc sứ giả của vua Cao Tổ thuộc triều nhà Hán thay mặt vua đến mời bốn vị về triều để làm cố vấn cho Hoàng đế nhưng bị bốn vị hiền triết này từ chối; điển tích “Thành Thang sính Y Doãn” là hình ảnh Hoàng đế Thành Thang đích thân đến gặp Y Doãn để mời Y Doãn cộng tác với mình cai quản vương quốc nhưng đã bị từ chối. Các mảng chạm được thể hiện theo lối bong kênh, khắc họa tỷ mỉ hình dáng, cử chỉ, điệu bộ của các nhân vật khiến bức tranh hết sức sinh động.

Ở bộ vì thứ 2 và thứ 5:

Anh-tin-bai

 

Hai bộ vì này so với các bộ vì còn lại có kết cấu và trang trí đơn giản hơn. Điểm nhấn của hai bộ vì này là dòng lạc khoản được khắc phía dưới bụng quá giang:

+ Vì thứ 2: Quý Mùi nguyệt hoàn thành (tháng Quý Mùi hoàn thành)

+ Vì thứ 5: Canh Ngọ nhật triền huyền hiêu doanh tác (Dựng vào ngày Canh Ngọ)

Ở bộ vì thứ 3 và thứ 4 mật độ chạm khắc dày đặc nhất (đứng ở giữa hai bộ vì nói).

Anh-tin-bai

 

 

Ở quá giang vì thứ 3, tiếp tục trang trí hình ảnh “Phượng vũ”. Dưới quá giang là hình ảnh hai đầu dư được tạo hình thành rồng dạng tròn kết hợp giữa chạm bong kênh và chạm lộng, miệng ngậm một hạt tròn. Thông thường, người ta vẫn cho rằng Rồng ngậm ngọc, song theo Giáo sư Trần Lâm Biền thì viên ngọc đó là tinh tú hoặc là nguồn phát sáng. Hình thức này ẩn đằng sau một ý nghĩa là nói tới nguồn phát sáng lấp ló trong mây. Đầu rồng chầu vào gian giữa, đăng đối với hai con rồng ở gian thứ 4.

Ở con rường cụt nổi lên có mảng chạm “vinh quy bái tổ” với hình ảnh voi đang di chuyển với chiếc lõng ở trên lưng, theo sau là đám binh lính, tay vác kiếm với dáng điệu hối hả, hay hình ảnh “rồng ổ” với hình ảnh con rồng lớn nhất đang “ọe” mặt trăng, phía dưới là những con rồng nhỏ đang trong tư thế đi lên, hướng vào mặt trăng. Mặt bên của xà nách, khắc đè lên hình rồng là 5 chữ Hán “Tứ giáp tế tứ duy”(tạm thời chưa có chuyên gia Hán Nôm nào dịch được nghĩa của 5 chữ này – câu này nếu ai hỏi thì nói, không thì thôi). Một hình ảnh nữa cũng khá độc đáo được khắc ở ván nong, đó là hình ảnh rồng, phượng đang vui đùa cùng nhau. Theo quan niệm tâm linh của người Việt, khi đặt hình tượng rồng bên cạnh phượng nó như một cặp âm dương hợp đức: rồng là dương, phượng là âm, rồng là cha, phượng là mẹ. Nó nhắc nhở đến cội nguồn dân tộc “con rồng cháu tiên”.

Ở bộ vì thứ 4, tại quá giang, tiếp tục chạm hình “phượng vũ” đăng đối với bộ vì thứ 3. Dưới quá giang là hai đầu dư có hình dáng và kỹ thuật cũng tương tự như ở bộ vì thứ 3.

Các vì nách chạm khắc đề tài phong phú, ngoài rồng, phượng còn xuất hiện nhiều hoạt cảnh thể hiện đời sống hết sức bình dị của người dân như bắt cá, đi cày, thổi cơm…và lặp lại hình ảnh hổ phù “ọe mặt trăng”.

Ở vì nách mặt ngoài, khắc họa các đề tài tương tự như vì nách phía ngoài của bộ vì số 3, chỉ khác ở 5 chữ Hán khắc đè lên con rồng “Ngũ phương kiêm ngũ phúc” (Ngũ phương tương ứng với ngũ phúc: Phúc, Lộc, Thọ, Khang, Ninh). Tiếc rằng một số mảng chạm do thời gian tồn tại lâu ngày đã bị hư hỏng và bị rơi không thể nào khắc phục được.

Ở bộ vì số 6

Bộ vì này có kết cấu tương tự như bộ vì số 1 chỉ khác về mật độ và đề tài trang trí:

Dưới quá giang và cột cái tạo hình hai đầu dư vươn lên.

Ở các vì nách tiếp tục được trang trí với nhiều đề tài phong phú, đa dạng, ngoài rồng, phương, hoa lá vân mây còn có một số đề tài, điển tích khá thú vị như: ở vì nách phía trong là điển tích “Đại Thánh phá trời”. Đó là hình ảnh Tôn Ngộ Không một mình cưỡi mây đánh nhau với các tướng ở Thiên đình; ở vì nách phía ngoài là hình ảnh chèo thuyền nhưng chỉ có mái chèo mà không có người; hay hình ảnh quan Nghè vinh quy bái tổ được chạm ở ván nong của bộ vì nách góc phía trong, mặt còn lại của vì nách góc phía trong là hoạt cảnh thi ngạch quan võ: ở trong nhà là vị quan chủ khảo đang ngồi, có người đánh trống, phía ngoài là hình ảnh mỗi người một tư thế võ, còn có người đang cưỡi ngựa, giương cung bắn…Tiếp theo là hình ảnh các sỹ tử xem điểm thi ở vì nách hồi góc phía ngoài: hình ảnh các sỹ tử, kẻ đứng, người ngồi, chen chúc nhau chỉ trỏ vào tấm bảng được dán vừa làm phong phú đề tài trang trí nhưng cũng thể hiện ước mơ, khát vọng của những đấng “nam nhi” mang hoài bão “phải có danh gì với non sông” của làng Hoành Sơn xưa.

Ngoài ra, ở hệ thống cổ nghé: chủ yếu được tạo hình mặt hổ phù với nhiều hình thái khác nhau nhưng chủ yếu vẫn mang đặc điểm hũi hếch, mắt lồi, miệng “ọe” chữ Thọ hoặc mặt trăng.

Hệ thống kẻ: đều được chạm khắc một cách tinh xảo, mật độ dày đặc, đề tài phong phú, đa dạng, trong đó chủ đạo vẫn là hình ảnh rồng được tạo với nhiều hình thức như “long ẩn vân”, cây hóa rồng, cá hóa rồng; phượng cũng được tạo hình “phượng vũ”, “phượng hàm thư”… Đặc biệt, trên kẻ phía trong của vì thứ 4 khắc họa điển tích “Long mã Hà đồ”, kể về sự tích vua Phục Hy tìm thấy Long mã trên sông Hoàng Hà. Long mã cõng trên lưng một bức đồ gồm 55 đốm. Những đốm ấy được vua Phục Hy vẽ lại tạo thành một bức đồ, đặt tên là Hà đồ. Nhà vua quan sát các chấm này, kết hợp với sự quan sát các hiện tượng thiên nhiên trong Trời Đất, nghĩ ra cách tượng trưng Âm Dương, Ngài vẽ ra được Bát Quái đồ, gọi là Tiên Thiên Bát Quái đồ.

Long mã thực ra là một biến thể của con Lân cổ truyền. Hình tượng “Long mã Hà đồ” thể hiện khát vọng của người dân nơi đây về một cuộc sống thanh bình, no đủ, đồng thời cầu xin thần linh phù hộ cho trai làng này đủ trí, đủ lực, đem chí tung hoành ra giúp dân, giúp nước.

Hệ thống ván gió cũng được các nghệ nhân tận dụng trang trí, những mảng chạm khắc sinh động, ngoài các đề tài tứ linh, tứ quý, điển tích “cá hóa rồng” còn xuất hiện những hoạt cảnh hết sức dân giã như đi cấy, bắt cá, hay hội làng... tạo nên những điểm nhấn thú vị, mang đậm bản sắc địa phương.

          Như vậy, rõ ràng, 3 vì ở bên phải và 3 vì ở bên trái chúng ta thấy có sự tương đồng về đề tài và nghệ thuật thể hiện, một mặt nó góp phần bổ trợ và tôn vinh lẫn nhau nhưng mặt khác vẫn thể hiện trình độ và tay nghề của hai tốp thợ,ví dụ như cùng là đề tài chèo thuyền, cùng vinh quy bái tổ nhưng cách thể hiện khác nhau, điều này đem lại sự thú vị, và gợi cho chúng ta có sự so sánh giữa hai tốp thợ.

Ngoài việc chạm khắc các đề tài trên các cấu kiện gỗ, ở gian giữa của đại đình, các nghệ nhân xưa còn tô điểm thêm cho không gian thiêng bằng những bức y môn tuyệt đẹp, đậm chất nghệ thuật.

Ở bức y môn ngoài chạm trổ rất tinh xảo với trung tâm là hổ phù cách điệu đội chữ thọ phía ngoài, mặt trong đội chữ phúc. Tại y môn trong, trên cùng sát đầu cột cái chạm đề tài rồng chầu mặt trời dưới dạng chạm một hình tròn lưỡng nghi được bao ngoài bởi những đao ít nhiều gắn với hoa cúc rồi tỏa sáng hai bên là các đao mác. Đôi rồng được hiện hình nguyên thân với các đao mác rõ rệt ở khuỷu, vây lưng rõ rệt, song đao mắt của rồng đã hiện ra dưới dạng râu cá trê. Dưới bộ rồng này là 5 ô hộc được trang trí mà mỗi ô đều được trang trí ở 4 góc với các đề tài thiêng liêng để làm nền cho 5 chữ: “Hoàng Thượng vạn vạn tuế”.

Phía sau y môn còn treo một bức tranh cổ khá đẹp mắt về đề tài rồng, phượng.

Cũng tại gian giữa, trên cửa ra vào treo bức đại tự bằng chữ Hán, nội dung “Nam sơn trường” (trường tồn mãi như núi Nam). Phía sau cũng treo bức đại tự, nội dung “Nam sơn phúc đình” (Phúc tại đình lớn như núi Nam).

Trên một số cấu kiện gỗ của đình còn lưu giữ dấu tích của lính khố xanh để lại. Đó là những ô hình vuông, được đục ở các cột để lắp các tấm ván cho chúng nghỉ ngơi hay tra khảo những chiến sĩ cộng sản, những người dân có tư tưởng chống đối; là những đường vân, dấu tích của các dây thừng tại các xà, chúng sử dụng để treo ngược người lên tra tấn. Những chứng tích ấy dù đã được hậu thế cố gắng khắc phục để xóa đi những đau thương, mất mát của một thời kỳ lịch sử nhưng không thể xóa đi tội ác của bè lũ cướp nước và thêm một lần nữa khẳng định sự kiên cường, lòng nhiệt tình cách mạng của dân làng Hoành Sơn nói riêng và nhân dân Nam Đàn nói chung.

Hậu cung có diện tích 44,8m2, kết cấu đơn giản. Đây là nơi thờ Thành hoàng làng, Tứ vị Thánh nương và các vị Chư phật.  

Truyền thuyết đã nhắc tới vị thành hoàng của làng, vậy thành hoàng làng là ai mà đến vua Thủy Tề cũng phải nể trọng và biết ơn, đó chính là Uy Minh vương Lý Nhật Quang, người con trai thứ 8 của vua Lý Thái Tổ, vị tri châu đầu tiên của xứ Nghệ, người có nhiều đóng góp về kinh tế, chính trị, xã hội ở Nghệ An. Đặc biệt, với nhân dân tổng Nam Kim, ông còn có công lao chiêu mộ dân lưu tán và sử dụng tù binh người Chămpa, Tống để khai phá đất đai, lập nên nhiều làng mới, trong đó có làng Hoành Sơn. Chính đức độ của ông đã cảm hoá những tù binh vốn xem đây là nơi đày ải, trở thành quê hương thứ hai của mình. Tại đây còn lưu giữ một số hòn đá tảng mà theo PGS - Tiến sỹ Nguyễn Văn Kim, nguyên phó Hiệu trưởng trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, thì đây là dấu tích của văn hóa Champa, là minh chứng cho sự tồn tại của người Chăm trên mảnh đất này.

Sau khi Lý Nhật Quang mất, để tưởng nhớ công lao của Ngài, nhân d©n xứ Nghệ nhiều nơi lập đền thờ Ngài “tôn Ngài làm Thành hoàng, làm đại Phúc thần của cả châu.

Ngoài thờ thành hoàng Lý Nhât Quang thì nơi đây còn thờ Tứ vị Thánh nương. Theo thần tích tại đền Cờn Trong (phường Quỳnh Phương, TX Hoàng Mai), Tứ vị Thánh nương là hiện thân của ba mẹ con Hoàng hậu và Nhũ mẫu triều đại Nam Tống (Trung Quốc), được người Việt địa phương hóa và thường thờ ở những vùng sông nước, có vai trò như một vị thủy thần. Làng Hoành Sơn nằm ven bờ sông Lam, lại ở vùng “rốn lũ” nên cũng rước long ngài, bài vị của Tứ vị vào phối thờ tại đình với mong ước được thần linh che chở trước những cơn thịnh nộ của dòng sông Lam khi mùa mưa lũ đến.

Các vị chư Phật vốn được thờ ở chùa Ngang (xã Khánh Sơn), do chùa bị sập, nhân dân đã đưa Phật về đây hợp tự.

Xưa, đình Hoành Sơn là trung tâm diễn ra các hoạt động của làng từ kinh tế đến chính trị, văn hóa. Về mặt văn hóa tâm linh, tại đình hàng năm diễn ra hai kỳ lễ lớn là lễ kỳ phúc vào tháng 2 và lễ rước thần vào rằm tháng 6. Trong hai lễ này, lễ kỳ phúc được tổ chức quy mô lớn hơn gồm 5 phường 4 giáp cùng đứng ra tổ chức và đóng góp theo suất đinh. Phần hội được tổ chức hoành tráng, với nhiều hoạt động sôi nổi và kéo dài trong nhiều ngày thu hút đông đảo các tầng lớp, các thành phần nam nữ, già trẻ.... được giới nghiên cứu và báo chí thời đó ca tụng. Dân gian hiện nay còn lưu truyền những câu thơ viết về các trò chơi dân gian như sau:

“...Bày hàng cổ vũ xôn xao

Trong đình trò hát, ngoài rào vạn bơi

Giữa sân bày đánh cờ người

Nơi thời đu ngốc, nơi thời đu tiên

Nơi thời kết đốt cây đèn

Nơi thời vây hát Trương Viên, trò Kiều

Trông ra vui vẻ trăm chiều...”

Khi đình bị thực dân Pháp trưng dụng làm nơi tra khảo các chiến sỹ cộng sản kiên trung thì các hoạt động hội hè của đình mới không còn được tổ chức.

Hiện nay, như chúng ta đang nhìn thấy, đình Hoành Sơn đã bị xuống cấp, nhiều mảng chạm có nguy cơ bị hư hỏng, điều này cũng đồng nghĩa với việc nơi lưu giữ “hồn quê” có nguy cơ biến mất. Bởi vậy, chính quyền địa phương đang rất cần sự chung tay vào cuộc của các cấp, các ngành và các tổ chức, cá nhân để đình Hoành Sơn được tu bổ khang trang, tiếp tục trường tồn cùng quê hương, đất nước.

 

 




Bùi Thị Nhung- CCVH xã Khánh Sơn
BẢN ĐỒ XÃ NGHĨA PHÚC - HUYỆN TÂN KỲ
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập

 

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ XÃ KHÁNH SƠN
Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Tô Bá Thắng - Chủ tịch UBND xã

Trụ sở: Xã Khánh Sơn - Huyện Nam Đàn - Tỉnh Nghệ An
Điện thoại: 0985 941 827 - Email: khanhson@namdan.nghean.gov.vn